Hà Nội sẽ chi hàng trăm tỷ đồng để xử lý những công trình siêu mỏng, siêu méo trên những tuyến đường, đồng thời từ nay TP chỉ xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường giao thông khi có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo. Những giải pháp này có xóa được triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện theo những tuyến đường mới mở của Hà Nội?
Ảnh minh họa
Người dân khổ, chính quyền cũng khổ
Khi con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa - con đường từng được coi là “”đắt nhất hành tinh” vừa được hoàn thiện, thì bộ mặt của hai bên đường cũng kịp lên khuôn hình. Những ngôi nhà cao, thấp với đủ những loại kiến trúc, màu sắc tạo nên hai dãy phố nhấp nhô, thụt ra thụt vào. Tuy nhiên lộ diện nhất ra mặt đường chính là những mảnh đất, “mảnh nhà” siêu mỏng, có những hình thù méo mó. Và cho đến bây giờ, sau hơn 5 năm, cả người dân và chính quyền địa phương vẫn phải khổ sở vì những miếng đất, “mảnh nhà gai góc này. Ông Bùi Minh Hoàng - Chủ tịch UBND P.Phương Liên cho biết: Sau khi GPMB theo chỉ giới quy hoạch, trên toàn tuyến có tới gần 80 mảnh đất sau khi bị “phạt” còn lại là siêu méo, siêu mỏng. Khi đó chính quyền P.Phương Liên cũng như các phường khác đã tiến hành vận động, thuyết phục người dân hợp thửa, tuy nhiên chỉ được một số. Rất nhiều mảnh không thể hợp thửa được vì phía trước đường lấy vào, phía sau lưng cũng là đường. Thực sự người dân cũng không giữ đất, họ cũng muốn nhà nước lấy, đền bù nốt phần còn lại cho xong. Nhưng giá mỗi mét vuông mặt đường hàng trăm triệu, đơn vị triển khai dự án lại bảo không có tiền đền bù, thế là các mảnh đất cứ nằm đấy cho đến bây giờ. Chính quyền địa phương thì một mặt phải canh cánh giữ không cho xây dựng, một mặt thì phải đi kiến nghị để nhà nước đền bù nốt phần đất còn lại cho bà con. Đến giờ vẫn chưa giải quyết xong.
Khi nhìn trên sơ đồ quy hoạch, chỉ có thể là sự vô cảm thì các nhà quy hoạch cũng như những người được giao làm dự án mới không nhìn ra sự bất cập và nỗi khổ của người dân khi đất của họ bị “phạt” còn lại những mảnh đất chỉ là vài, ba mét, thậm chí chỉ còn hơn 1m2. Hộ bà Trần Thị Ý, sau khi GPMB, nhà bà chỉ còn lại một dải đất tổng diện tích 3,9m2, kiến nghị thu hồi ngay không được, chính quyền phường thuyết phục gia đình bà để làm đường đi, chờ đền bù. Chờ mãi gần 6 năm nay, trong khi hàng trăm triệu một mét vuông đất, “của đau con xót”, gia đình bà ra quây đường giữ đất. Nhiều hộ dân khác như hộ ông Mai Kiều, hộ bà Đỗ Thị Hồng Vân... cũng lâm vào tình cảnh như bà Ý, chờ mãi không được đền bù nốt mấy mét còn lại, họ đành phải quây đất để giữ. “Chúng tôi còn không biết kiến nghị ở đâu. Lên TP thì bảo đền bù thì phải có dự án, mà dự án thì đã làm xong từ mấy năm nay rồi. Chỉ mong TP trực tiếp giải quyết đền bù cho chúng tôi” - nhiều người dân ở P.Phương Liên bức xúc.
Phải giải quyết cả hệ thống
Như một hệ lụy ở TP Hà Nội, cứ ở đâu có dự án đường mới mở, là ở đó sẽ mọc lên nhà siêu mỏng, siêu méo. Xét về trách nhiệm quản lý thì có thể cho rằng vai trò của chính quyền địa phương chưa tốt, người dân cố tình làm trái quy định... Nhưng giải quyết vấn đề này không hề đơn giản, không phải là cứ bỏ tiền ra đền bù hay xử lý vi phạm mà có thể dẹp được nhà mỏng, nhà méo. “Nguyên nhân dẫn đến nhà siêu mỏng là do quy hoạch xây dựng. Không chỉ thiếu quy hoạch chi tiết, tại các khu vực mới mở rộng, tổ chức không gian và thiết kế đô thị chưa được thực hiện, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và giữa các dự án phát triển đô thị với nhau và các khu dân cư xung quanh thiếu đồng bộ. Hầu hết Hà Nội chưa có quy hoạch hai bên tuyến phố khi mở đường”, ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lý giải.
Mỗi khi mở đường, các nhà dự án chỉ đền bù GPMB theo chỉ giới đường đỏ, không quan tâm xem còn lại là cái gì. Chưa dự án mở đường nào của Hà Nội có phương án cụ thể về tổ chức xây dựng hình thành mặt phố theo quy hoạch, cũng như quy hoạch mặt ngoài tuyến phố, dẫn đến những mảnh đất còn lại sau GPMB siêu mỏng, méo. Thêm vào đó, TP vẫn loay hoay, chưa có chính sách cụ thể đối với việc xử lý đối với những mảnh đất siêu mỏng, méo này. TP cấm xây, nhưng cũng không có chính sách thu hồi, đền bù. Thời buổi tấc đất tấc vàng, không thể bắt người dân để không đất của mình được, nên hàng ngày vẫn có những ngôi nhà kỳ dị được mọc lên, bất chấp sự lên án của xã hội hay những quy định về xử phạt của các cấp chính quyền. “Nếu không cho xây dựng thì TP bố trí tái định cư, hoặc đền bù nốt cho chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng trao lại đất”- Đó là kiến nghị của một người dân trên đường Khuất Duy Tiến để xử lý mảnh đất siêu mỏng của mình.
“Không thể chậm hơn nữa, các nhà quy hoạch phải có trách nhiệm khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ngay từ khi nghiên cứu tiền khả thi, vẽ nên các dự án”- Đó là lời kiến nghị của chính quyền địa phương và người dân khi họ đang là người trong cuộc xử lý vấn đề nhà siêu mỏng, méo. Theo họ, đó mới chính là cách giải quyết tận gốc triệt để chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo trên địa bàn Hà Nội.
Theo báo cáo mới đây nhất, toàn TP có khoảng 533 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, méo trên các tuyến phố, trong đó có 200 trường hợp tồn tại trước khi có QĐ 26/2005/QĐ-UBND và 180 trường hợp hình thành sau QĐ 26, 147 trường hợp chưa xác định được thời điểm hình thành.
Thanh Xuân sẽ là quận tổ chức thí điểm giải quyết dứt điểm những công trình siêu mỏng, méo, sau đó nhân rộng trên địa bàn TP.
Khánh Ngọc
baoxaydung