"Hà Nội cứ làm đúng theo quy hoạch năm 2008 với 6 cầu qua sông Hồng là hoàn chỉnh rồi, thời điểm này chưa cần thiết xây dựng hầm đường bộ", KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc trao đổi với báo chí ngày 22/3.
Ông nghĩ sao về đề xuất xây hầm đường bộ qua sông Hồng, đoạn từ phố Trần Hưng Đạo?
- Quy hoạch thủ đô mới chưa được duyệt, còn quy hoạch cũ chỉ có 6 cầu. Theo tôi, sông Hồng không phải sông vận tải lớn, vấn đề thoát lũ và trị thủy không ảnh hưởng gì nếu xây cầu.
Nhưng riêng làm hầm thì phải nghiên cứu rất kỹ, phải đánh giá đầy đủ mọi yếu tố, cả về giao thông, mỹ quan, kinh tế và chiến lược, vấn đề bảo dưỡng và vận hành rất phức tạp. Đặc biệt, làm hầm thì phải nghiên cứu việc đấu nối hai đầu, đặt hầm tại khu vực phố cũ Trần Hưng Đạo sẽ gây ùn tắc giao thông.
- Vậy theo ông thời điểm này có nên xây dựng hầm qua sông Hồng?
- Quan điểm của tôi không nên xây dựng hầm. Với sông Hồng địa chất phức tạp, chi phí sẽ rất đắt. Hà Nội cứ làm đúng theo quy hoạch năm 2008 là hoàn chỉnh rồi, qua sông Hồng có 6 cây cầu, thời điểm này chưa cần thiết xây dựng hầm. Chúng ta cũng cần phải tính khoảng cách giữa mỗi cầu là 800 m đến một km, không thể dày quá.
Dự thảo quy hoạch thủ đô đến năm 2030 có một hầm đường bộ qua sông Hồng. Ảnh: Hoàng Hà.
- Nếu thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư hầm đường bộ, theo ông nên huy động nguồn vốn như thế nào?
- Tài chính công để đầu tư rất khó khăn nên theo tôi cần phải xã hội hóa, xây cầu, hầm hay sân bay cũng cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Trong đó nhà nước có đóng góp một tỷ lệ phần trăm để đảm bảo cho doanh nghiệp đầu tư, như góp đất. Ngay ở Hong Kong, cả sân bay hay các đường hầm qua biển đều có nhiều đối tác đầu tư, không đặt gánh nặng lên vai nhà nước.
VnExpress