Nơi ấy là một địa danh nổi tiếng của xứ Thanh, gắn với lịch sử Vua Lê oai hùng. Cách đây chưa lâu, vùng thượng nguồn sông Chu thơ mộng này còn là một vùng rừng núi thâm u, quanh năm mây phủ nhưng đã tiềm ẩn khả năng về nguồn tài nguyên nước vô cùng phong phú từ bao đời nay. Bởi vậy, ngay từ đầu thế kỷ 20 người Pháp đã chọn sông Chu làm đối tượng nghiên cứu để xây dựng công trình thuỷ lợi. Người dân xứ Thanh hẳn còn nhớ, năm 1920 công trình đập dâng Bái Thượng đã được khởi công xây dựng và đến năm 1928 đưa vào khai thác sử dụng. Nhưng công trình Bái Thượng cũng chỉ là đập dâng khai thác lưu lượng cơ bản tưới cho khoảng 5 vạn héc-ta vùng Nam sông Chu, chưa thể đáp ứng được yêu cầu nhiều mặt về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
Xuất phát từ nhu cầu dùng nước, chống lũ, phát điện v.v., để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh Thanh Hoá, ngày 29 tháng 1 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoã xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt, giao cho: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ đầu tư công trình thủy lợi đầu mối; Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá quyết định thành lập Công ty cổ phần do Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam giữ cổ phần chi phối để làm chủ đầu tư công trình thuỷ điện. Công trình đầu mối được xây dựng tại xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Dự án có 5 nhiệm vụ chính là:
- Giảm lũ với tần suất P=0,6%, đảm bảo mực nước tại Xuân Khánh không vượt quá +13,71 m
- Cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng Q= 7,715 m3/s
- Tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862 héc-ta đất canh tác vùng Nam sông Chu và Bắc sông Chu
- Kết hợp phát điện với công suất máy N= 88 đến 97 MW. Đồng thời, công trình còn có nhiệm vụ là bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng Q=30,42 m3/s.
Với nhiệm vụ hết sức quan trọng như trên, công trình đầu mối thuỷ lợi gồm có Khu đập chính và 2 đập phụ là Hón Can và Dốc Cáy. Hồ chứa có Dung tích hữu ích: 793,7 triệu m3 nước; Dung tích toàn bộ là 1,45 tỷ m3 nước; diện tích mặt hồ tại mực nước dâng bình thường khoảng 31 km2. Hồ làm việc theo chế độ điều tiết năm…
Đến Cửa Đạt, chúng ta được tận mắt chứng kiến, được chiêm ngưỡng “ công trình thế kỷ” - một công trình có thể nói là đồ sộ nhất, hiện đại nhất của Ngành Thuỷ lợi Việt Nam cho đến thời điểm này. Công trình đầu mối Cửa Đạt có các hạng mục quan trọng nhất là Đập chính, Tràn xả lũ, Tuy nen TN2, Đập phụ Hón Can và đập phụ Dốc Cáy. Khu đập chính có Đập chính, Tràn xả lũ và Tuy nen TN2
Đập chính công trình đầu mối thuỷ lợi Cửa Đạt có chiều cao 115,3 m, dài khoảng 1 km, chiều rộng mặt đập B=10m, được thiết kế, thi công theo công nghệ đập đá đổ đầm nện, chống thấm bằng bê tông bản mặt ( Concrete Face Rockfill Dam ). Đây là một công nghệ mới được áp dụng ở nước ta, là công trình đầu tiên trong ngành Thuỷ lợi áp dụng công nghệ này và là đập có quy mô lớn nhất trong các đập đã được xây dựng ở Việt Nam (Đập Na Hang - Tuyên Quang và đập Rào Quán - Quảng Trị ).
Tràn xả lũ kết cấu bê tông cốt thép, với hình thức xả mặt, tiêu năng mũi phun, lưu lượng xả lớn nhất ứng với tần suất P=0,1% là: 8.200 m3/s. Kết cấu tràn có 5 khoang kích thước mỗi khoang là (11 x 17) m; kiểu cửa bằng van cung thép, đóng mở bằng xi lanh thuỷ lực; phai sửa chữa bằng thép, nâng hạ bằng cầu trục có sức nâng 30 tấn. Cầu giao thông trên đỉnh tràn kết cấu bê tông cốt thép, tải trọng thiết kế H30-XB80, rộng 10,4 m, đặt ở hạ lưu trụ pin và trụ biên, phía trái nối với đường đỉnh đập, phía phải nối với đường quản lý, rất thuận tiện cho việc quản lý, vận hành.
Ngoài Đập chính và Tràn xả lũ, Khu Đập chính còn có Tuy nen TN2, một hạng mục cũng hết sức quan trọng để phục vụ thi công. Tuy nen TN2 được thiết kế và thi công theo phương pháp NATM. Tuy nen dài 820 m, mặt cắt ngang điển hình đường kính 9m, có kênh dẫn thượng lưu, cửa vào và tháp vận hành rất hợp lý. Tuy nen TN2 có nhiệm vụ chủ yếu là: Trong quá trình thi công đảm bảo cấp nước cho hạ du với lưu lượng bằng hoặc lớn hơn 50m3/s và làm nhiệm vụ dẫn dòng.
Là công trình lợi dụng tổng hợp, Nhà máy thuỷ điện Cửa Đạt đã được xây dựng để cấp điện phục vụ công nghiệp và sinh hoạt. Trên tổng mặt bằng gần 20 héc-ta phía hạ lưu bờ phải đập chính, nhà máy thuỷ điện được bố trí hợp lý, trang thiết bị hiện đại, với quy mô 2 tổ máy có tổng công suất 97 MW, 46 km đường dây 110KV. Sau một thời gian thi công khẩn trương, ngày 19 tháng 5 năm 2010 thuỷ điện Cửa Đạt đã chính thức hoà lưới điện quốc gia, phục vụ kịp thời sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong khu Đập chính Cửa Đạt, ngoài các hạng mục quan trọng trên còn có các công trình phục vụ quản lý vận hành như Khu nhà quản lý, Đường quản lý, hệ thống quan trắc, thông tin liên lạc, trang thiết bị quản lý vận hành, hệ thống điện quản lý vận hành, khu vườn hoa, lâm viên .v.v.
Khu quản lý vận hành gồm 1 nhà 3 tầng cấp II, diện tích XD 622m2, nhà giao ban và sa bàn rộng gần 200 m2 cùng hệ thống nhà bảo vệ, nhà để xe, sân đường nội bộ khang trang. Nhà điều hành trung tâm rộng 105 m2 ở vai trái đập tràn xả lũ, được bố trí đầy đủ các trang thiết bị hiện đại.
Để phục vụ quản lý vận hành thuận lợi, kịp thời, công trình đầu mối được bố trí hệ thống quan trắc tại đập chính và đầu tràn xả lũ để quan trắc mực nước thượng hạ lưu đập, quan trắc biến dạng bề mặt đập và tràn, quan trắc thấm trong thân đập.v.v.và Hệ thống thông tin liên lạc bằng hữu tuyến và vô tuyến thông suốt, thuận tiện.
Hệ thống điện quản lý vận hành gồm: Trạm biến áp hợp bộ T7 2 x 400 KVA – 10/0,4 KV, trạm Diezen dự phòng 250KVA -400V và đường dây 10KV gồm 2 lộ x 1815 m, cấp điện từ Trạm BA T7 và máy biến áp tự dùng của Trạm biến áp T5 để quản lý, vận hành Tràn xả lũ và chiếu sáng công trình.
Cùng với việc xây dựng các hạng mục chính, toàn bộ hệ thống mặt bằng của công trình đầu mối, vùng lòng hồ cũng được quy hoạch, chỉnh trang để tạo cảnh quan, môi trường phù hợp, hấp dẫn khách du lịch. Mặt bằng khu Đập chính, với diện tích 26 héc-ta được quy hoạch thành 6 khu, trong đó có khu đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước, khu quản lý đập và tham quan…Đặc biệt là khu công viên và khu trồng cây xanh. Khu công viên, với diện tích 1,8 héc-ta, nối từ khu quản lý công trình đầu mối (khu A) và chạy dọc bên phải bờ sông Chu kéo dài tới cầu Cửa Đạt. Khu trồng cây xanh có diện tích lớn nhất (8,87 héc-ta), được bố trí ở trên khối III E bảo vệ chân hạ lưu đập, tạo ra cảnh quan đẹp mắt, môi trường lý tưởng cho vùng hồ rộng lớn…
Đến Cửa Đạt hôm nay, du khách được đi trên đường quản lý to đẹp nối với đường Mục Sơn-Cửa Đạt. Đường quản lý chính chia thành 2 tuyến: Tuyến 1 dài 962 m, là đường đi trên đỉnh bờ trái đập chính qua tràn xả lũ và nối với các đường RO14, RCO, RO1A…để đi đập phụ Hón Can. Tuyến 2 từ đường RO3, qua cầu Cửa Đạt đến điểm giao nhau giữa đường RCO và RO1A rất thuận tiện giao thông.
Nhờ có hệ thống đường quản lý, từ đầu mối Cửa Đạt, chúng ta có thể đi đến các khu đập phụ một cách thuận tiện. Khu Đập phụ Dốc Cáy gồm có đập đất, kênh dẫn thượng lưu bằng bê tông, tuy nen và công trình quản lý vận hành. Khu đập phụ Hón Can cũng gồm có đập đất, công trình quản lý vận hành và công trình thoát nước suối Bọng.v.v.
Để có được quần thể công trình đồ sộ, hiện đại, hiệu quả cao như hiện nay, trước hết, chúng ta phải nhắc đến Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam - Những người đi tiên phong thăm dò, khảo sát, thiết kế nên “ Ngôi nhà vĩ đại Cửa Đạt”. Họ là “ những người lính thầm lặng “đặt bước chân đầu tiên, hứng chịu những đợt gió Lào hầm hập hay những đêm lạnh thấu xương nơi núi rừng Thường Xuân điệp trùng để khảo sát, chọn tuyến, đề ra những giải pháp kỹ thuật tối ưu từ lúc lập dự án tiền khả thi đến suốt quá trình thực hiện xây dựng công trình.
Với quy mô, thông số kỹ thuật chủ yếu và kết cấu các hạng mục công trình như trên, việc thi công công trình cần được triển khai theo một trình tự, giải pháp kỹ thuật và tiến độ hết sức khoa học. Mùa xuân năm Giáp Thân, đúng vào ngày 2 tháng 2 năm 2004, sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, sau bao năm mong chờ của Đảng bộ và nhân dân xứ Thanh, công trình Cửa Đạt đã được khởi công. Trong ngày Lễ trọng đại này, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công, trong niềm hân hoan vô bờ của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh và đông đảo đại biểu các cơ quan Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương cùng hàng nghìn cán bộ, công nhân các đơn vị tham gia xây dựng công trình… mở ra một trang sử mới cho việc triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá, khắc ghi dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp phát triển của ngành Thuỷ lợi nước nhà. Phát biểu trong Lễ khởi công công trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Công trình Thuỷ lợi - Thuỷ điện Cửa Đạt là một dự án lớn, quan trọng, hết sức quan trọng đối với tỉnh Thanh Hoá nói riêng và Việt Nam chúng ta nói chung. Bởi vậy, tôi mong tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp tham gia xây dựng công trình phải hết sức cố gắng, luôn tuân thủ quy trình, quy phạm, thi công đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, tiến độ, an toàn…
Thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, ngay sau Lễ khởi công các đơn vị tư vấn, thi công bắt tay ngay vào triển khai thi công công trình với khí thế sôi nổi, quyết tâm cao nhất. Liên danh các nhà thầu xây dựng do Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam làm nhà thầu chính cùng với Tổng Công ty Xây dưng 4, Tổng Công ty cơ điện xây dựng nông nghiệp & Thuỷ lợi ( Bộ Nông nghiệp &PTNT ), Tổng Công ty sông Đà … đã tập trung xe máy, nhân công rầm rộ mở công trường. Cả một vùng thung lũng nơi thượng nguồn sông Chu bao đời hoang vu bỗng trở thành một đại công trường ồn ã, tấp nập, khẩn trương suốt ngày đêm. Đâu đâu cũng vang lên tiếng máy, tiếng còi xe hối hả, tiếng người gọi nhau gấp gáp. Ánh lửa hàn chớp sáng trong nắng vàng và gió đại ngàn miên man thổi dọc đôi bờ sông Chu. Đâu đó, có tiếng hát con gái bỗng vút lên giữa mênh mang thung lũng thượng nguồn…
Để triển khai thi công các hạng mục chính được tốt, công tác chuẩn bị mặt bằng đã được thực hiện rất khẩn trương, đồng bộ. Trong năm 2004 và nửa đầu năm 2005 chủ yếu thi công nhà ở cho cán bộ, công nhân, nhà làm việc của các nhà thầu, xưởng gia công , các tuyến đường thi công, cầu qua sông Chu, chuẩn bị các mỏ vật liệu để đắp đập.v.v. với khối lượng thực hiện: San ủi, đào đắp mặt bằng, đường vận chuyển gần 7triệu m3, hoàn thành hơn 50 nghìn m2 lán trại, công xưởng phục vụ đầy đủ chỗ ở cho khoảng 3000 cán bộ, CNV và hơn 1000 xe máy, thiết bị.
Cùng với việc chuẩn bị mặt bằng, công tác thi công các hạng mục chính của công trình cũng được triển khai kịp thời, khẩn trương. Tranh thủ thời tiết khô ráo, ngay từ trung tuần tháng 1 năm 2004 công trường đã mở móng đập vai trái, đến cuôí năm tiếp tục đào móng vai phải và thềm lòng sông. Đơn vị trực tiếp thi công đập chính là Tổng Công ty xây dựng thuỷ lợi 4 và Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng nông nghiệp & Thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Do khối lượng đào móng lớn, mặt bằng lại rộng nên việc thi công đập chính được chia làm 3 giai đoạn để vừa kết hợp đào móng vừa đắp đập. Ngày 25 tháng 7 năm 2005, công tác đắp đập bắt đầu được triển khai. 7 giờ 30 phút sáng, khi sương mờ còn giăng kín thung lũng Cửa Đạt, những viên đá đầu tiên sau khi đã thí nghiệm đạt tiêu chuẩn được đưa vào đắp đập, mở đầu một chiến dịch lớn kéo dài suốt 4 năm, với bao công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi lòng nhiệt tình, tính sáng tạo và sự phối hợp thực hiện chặt chẽ, khoa học của các đơn vị tham gia xây dựng công trình. Trong quá trình thi công đập chính, giải pháp kỹ thuật tiêu thoát nước phục vụ thi công và xử lý bê tông bản mặt bị phồng, xử lý thoát không.v.v. là những vấn đề lớn, được giải quyết thành công, đánh dấu sự trưởng thành, vươn lên trong khoa học công nghệ thuỷ lợi của các nhà tư vấn thiết kế cũng như lực lượng thi công và cơ quan quản lý dự án. Đặc biệt, công tác nghiệm thu chất lượng công trình được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định. Công tác thí nghiệm kiểm tra bê tông, mẫu thí nghiệm đầm nén đắp đập, kiểm tra chất lượng khoan phụt xử lý nền được các đơn vị như: Trường Đại học Thuỷ lợi, Viện khoa học địa chất và khoáng sản thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng tốt…
Đồng thời với việc thi công đập chính, các hạng mục Tràn xả lũ và Tuy nen TN2 cũng được khẩn trương triển khai theo tiến độ được duyệt. Đối với Tràn xả lũ, công tác đào móng tràn được chia làm 2 đợt: Đợt 1 kết thúc vào tháng 5/2006; đợt 2 hoàn thành vào tháng 7/2007. Trong quá trình thi công tràn xả lũ cũng gặp nhiều khó khăn về địa hình, địa chất, mặt bằng chật hẹp.v.v.nhưng đơn vị thi công VINACONEX đã cố gắng khắc phục, thi công với quyết tâm cao.Toàn bộ công tác đổ bê tông, lắp dựng cửa tràn kết thúc tháng 9/2009, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu .
Để phục vụ dẫn dòng thi công, bắt đầu từ tháng 7/2005 tuy nen TN2 được triển khai thi công. Tuy nen được đào từ hai phía thượng, hạ lưu theo phương pháp mới của Áo. Toàn bộ thân hầm tuy nen là đá, không có nhiều đứt gãy, chỉ riêng đoạn cửa ra là đá nứt nẻ, phong hoá mạnh nên được đổ bê tông vòm. Xác định rõ, Tuy nen TN2 tuy chỉ là công trình tạm nhưng nó quyết định cho việc hoàn thành công trình, đảm bảo tiến độ chung nên Tổng Công ty sông Đà (đơn vị thi công) đã hết sức cố gắng, hoàn thành cuối tháng 11 năm 2006, phục vụ kịp thời công tác chặn dòng. Ngày 2 tháng 12 năm 2006, sau gần 3 năm vừa thiết kế vừa thi công khẩn trương, hồ chứa Cửa Đạt đã được chặn dòng thành công, trong tiếng hò reo, trong niềm vui ngập tràn của đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hoá, các địa phương quanh vùng và đại biểu các cơ quan, Ban ngành Trung ương.
Sau Lễ chặn dòng, đại công trường Hồ chứa nước Cửa Đạt tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, mở ra một giai đoạn mới. Trên khắp các công trường, từ khu Đập chính đến các khu Đập phụ Hón Can và Dốc Cáy đều đồng loạt, tích cực triển khai thi công các hạng mục theo tiến độ. Các đơn vị tham gia xây dựng công trình, từ cơ quản lý dự án đến các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công…đều tăng cường hoạt động, phối hợp chặt chẽ trong từng việc liên quan. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 3, có sự hỗ trợ Tư vấn quản lý của Tổ chuyên gia Trung Quốc, là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý dự án đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ thi công và tăng cường phối hợp với các đơn vị thiết kế, thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình. Nhiều bữa quên ăn, nhiều đêm mất ngủ, các anh: Phan Đình Phùng, Đồng Văn Tự, Lê Hữu Hải, Nguyễn Đăng Hà - Những cán bộ lãnh đạo của Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 3 thường xuyên có mặt ở hiện trường, ngày cũng như đêm luôn bám sát “trận địa” để chỉ huy phối hợp tác chiến. Cục Quản lý Xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với chức năng nhiệm vụ của mình luôn theo sát tiến độ công trình, kịp thời giải quyết các thủ tục về đồ án, dự toán, điều chỉnh Thiết kế kỹ thuật, Tổng dự toán; nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn chế độ, chính sách XDCB; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra .v.v. nhằm quản lý tốt về đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu chung.
Trong quá trình thi công công trình, nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng v.v.thường xuyên quan tâm, đến thăm công trình và luôn động viên cán bộ, công nhân trên công trường hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá; đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng hết mình của các đơn vị trực tiếp thiết kế, thi công nên công trình đã sớm phát huy hiệu quả. Ngay trong quá trình còn đang thi công, cả hai năm 2008 và 2009, công trình đã phát huy tác dụng cắt lũ cho sông Chu…Vào hồi 10 giờ ngày 26/11/2009, tấm phai cuối cùng trước cửa tuy nen đã được thả thành công. Hồ Cửa Đạt chính thức bắt đầu tích nước, phục vụ sản xuất, sẵn sàng đáp ứng các mục tiêu thiết kế đã đề ra.
Sau 5 năm xây dựng, công trình đầu mối Hồ chứa nước Cửa Đạt đã hoàn thành với một khối lượng lớn: Đào đắp 38.718.000m3 đất đá, bê tông các loại: 321.000 m3, thép các loại: 105.000 tấn, khối lượng cơ khí thuỷ công hơn 2000 tấn và hàng triệu m2 xây dựng khu quản lý điều hành, nhà trạm xá, trường tiểu học, trạm công an, câu lạc bộ.v.v.với Tổng kinh phí xây dựng gần 5 nghìn tỷ đồng, đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu, những kỹ sư, những người thợ xây dựng trên công trường Cửa Đạt đã tạo ra một công trình lợi dụng tổng hợp mang lại hiệu quả cao, tạo ra một tài sản khổng lồ vô giá, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vừa qua, công trình thuỷ lợi - thuỷ điện Cửa Đạt đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam gắn biển công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI…
Hôm nay, ai có theo điệu hò xứ Thanh, ngược dòng sông Chu, qua đền Cầm Bá Thước vừa được tôn tạo đẹp đẽ, đến thăm Hồ chứa nước Cửa Đạt mới thấy hết sự vĩ đại, giá trị lớn lao và vẻ đẹp hoành tráng, hiện đại của công trình. Từ nay, trên bản đồ nước Việt đã xuất hiện, lấp lánh điểm sáng công trình thuỷ lợi-thuỷ điện Cửa Đạt. Mai sau, mai sau, mỗi khi nhắc đến “công trình thế kỷ” này, cháu con chúng ta còn ghi nhận công lao to lớn, tự hào về ông cha mình, tự hào về sự phát triển của ngành Thuỷ lợi nước nhà!
Hà Nội – Thanh Hoá, cuối xuân 2011
HÀ QUANG
Chánh văn phòng Hội Thủy lợi Việt Nam